Mục lục
Chùa có tên chữ là Hương Thảo tự (nghĩa là mùi hương của cây cỏ) để khác với Hương Tích tự ở trấn Sơn Tây xưa (nay chùa Hương Tích thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Chốn bồng lai tiên cảnh
Theo tư liệu, di tích chùa Hang São có toạ độ VN2000; 497921m, 2243113m, nằm trong núi São độ cao 200m, thuộc địa khối Đông Nam của dãy Phu Sa Phìn, chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Theo các nghiên cứu, nơi đây nằm trong vành đai kiến tạo địa chất của vỏ Trái Đất, quá trình đứt gãy của địa khối Đông Nam dãy Phu Sa Phìn kéo dài từ kỷ Cambri cách đây 540 triệu năm chấm dứt vào kỷ Krêta, cách đây 65 triệu năm.
Nơi này xưa kia chìm ngập dưới biển trong các pha trầm tích và được nâng lên trong các pha uốn nếp của các vận động tạo núi Calêđôni và Kimêta thuộc đại trung sinh.
Vì vậy các dãy núi vùng Lục Yên đều có hướng Tây Bắc – Đông Nam. Sự uốn nếp và nâng lên trong các hoạt động tạo núi đã tạo điều kiện cho nước dễ thấm và hoà tan đá vôi thành cacbonnat canxi cùng các điều kiện vật lý hoá khác là nguyên nhân chính tạo ra địa hình địa mạo và sự kỳ ảo của hệ thống hang động đất Ngọc Lục Yên nói chung, hang chùa São nói riêng.
Sư cô Thích Nữ Diệu Hiếu – người quản lý chùa Hang São cho biết: Di tích chùa Hang São gồm một ngôi chùa thiên tạo (chùa São) và một chùa nhân tạo (chùa Hang).
Chùa Hang nằm trong hẻm đá ngay dưới chân núi São. Chùa Hang bài trí đơn sơ, thanh tịnh với am thờ Phật Bà, ban Tam Bảo, ban thờ Mẫu. Chùa São là ngôi chùa cổ thiên tạo, nằm trọn trong hang trên núi São, du khách phải leo lên đỉnh núi cao chừng 200m so với mặt ruộng mới tới động, để chiêm bái ngôi cổ tự linh thiêng.
Chùa São là một trong những hang động đẹp, là một bảo tàng địa chất sống động có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các cư dân Việt cổ. Chùa có ba động: Động chùa Hạ (đền Hạ), động chùa Trung (đền Trung) và động chùa Thượng (đền Thượng).
Đền Hạ là động thiên tạo trong lòng núi rộng chừng vài trăm mét vuông, có khu ngoài và khu trong. Khu ngoài là nhập môn (cửa vào) nơi để phật tử, du khách nghỉ ngơi, sửa sang lễ vật. Khu trong là thủy cung mê lộ với bàn thờ thiên tạo Thập bát long chầu (mười tám vị thần dưới nước); cung thờ An Dương Vương, cung thờ Mỵ Châu và tượng Trọng Thủy…
Đi lên lưng chừng núi là động chùa Trung. Trước cửa động là các chuông bằng đá lớn buông xuống, gõ vào âm vang như trống đồng. Trong lòng động có muôn vàn nhũ đá hình Thánh Gióng cưỡi ngựa, hổ chầu voi phục, nàng Vọng Phu… Ở góc cao của động có “đường lên trời”.
Động chùa Thượng có nhiều hang động gắn vào các sự tích lịch sử như: Đền mẫu Âu Cơ, động bầu sữa mẹ, Cung thái mẫu vua Hùng Vương thứ 6, động Sơn Tinh, Thủy Tinh…
Đặc biệt, trong đền Thượng có khu động đền thờ Hai Bà Trưng rộng chừng 300m2 được thiên tạo như thật. Trước động là hai con voi trắng khổng lồ. Đầu voi có hình người đang cưỡi voi với tư thế lao về phía trước. Dưới chân voi là “hồ” Thần Nông nước trong vắt, được thiên tạo be bờ uốn lượn nghệ thuật.
Dưới “hồ” là những tràn ruộng bậc thang nhỏ xíu được gọi là “cánh đồng” Thần Nông. Cạnh đó là Giếng Tiên không bao giờ cạn nước, dân gian truyền rằng thập phương du khách dùng nước này rửa mặt, hoặc uống sẽ được sức khỏe, bình an, may mắn.
Cổ tự phát tích từ thời Hùng Vương lập nước?
Tương truyền, động chùa này được phát hiện từ thời Hùng Vương thứ 6. Trong một chuyến kinh lý, vua Hùng phát hiện thế núi “long chầu hổ phục”, có hang động đẹp nên sau đó đã đem di hài Thái mẫu lên hung cát ở đây, nay vẫn còn cung Thái mẫu ở trong động.
Đến thời tiền Lê, một nhà vua đến động này và đặt tên là “Động Hương Thảo tự” để sánh với động Hương Tích tự ở trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ngày nay chùa được gọi theo cách dân dã chùa Hang São.
Theo sử sách, khởi thủy chùa Hang São được các cư dân Tày bản địa xây vào thế kỷ XIII – XIV để thờ Phật. Tới thời Lê Trung Hưng, khi Vũ Văn Mật xây thành Đại Đồng tại châu Thu Vật, trấn Tuyên Quang, đã tiến cử con gái là Vũ Thị Ngọc Anh tinh thông văn võ lại am hiểu nghề nông với vua Lê và được phong chức Phó tướng, phụ trách quân lương hậu cần.
Bà Vũ Thị Ngọc Anh đã dạy đồng bào dân tộc nơi đây trồng lúa nước, trồng bông dệt vải. Bà đã cùng chủ tướng Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp. Lúc này, chùa Hang São trở thành kho tập kết lương thực phòng khi chiến tranh với nhà Mạc.
Theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, do có nhiều công lao trong xây dựng căn cứ và dạy dân trồng lương thảo, bà Vũ Thị Ngọc Anh được bà con trong vùng tôn vinh là “Bà chúa lương”, “Bà chúa kho”, “Bà chúa Bầu”, “Bà Anh thần nông”. Người địa phương còn gọi bà là “Bà Bụt” hay “Bà Ỏn”. Để tưởng nhớ công ơn của bà, sau khi bà mất, người dân nơi đây đã lập điện thờ bà trong chùa Hang São.
Đến thời Nguyễn, với việc coi trọng tu bổ đình, đền, chùa và nghi thức tế tự, nhân dân bản São dựng thêm một ngôi chùa nhỏ với ba gian nhà tranh thờ Phật và thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh ở trước chùa. Tháng 12/1949, chùa Hang São, xã Tân Lập vinh dự là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ hai; trở thành địa chỉ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Với bề dầy gắn với lịch sử dân tộc như vậy, ngày 17/9/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1395/QĐ-UBND công nhận chùa Hang São là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Ngày nay Di tích chùa Hang São là một điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam