Tượng Phật chùa Phật Tích

Audio
Screenshot_10

Bảo vật quốc gia tượng đá thời Lý tại chùa Phật Tích được cho rằng có niên đại khoảng năm 1057 và thường được định danh là Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích. Cách định danh này cũng có nhiều tranh cãi, ở góc độ học thuật nghiên cứu thì cũng có một vài điểm cần trao đổi xung quanh các ý kiến về bức tượng này.

Đã có nhiều tài liệu đề cập đến những vấn đề có liên quan đến pho tượng. Tuy nhiên, về tên gọi (Phật hiệu) thì mỗi nhà nghiên cứu đều có những kiến giải khác nhau. Cho đến nay, tên gọi Phật A Di Đà là pháp hiệu phổ biến, quen thuộc nhất khi mọi người nhắc đến pho tượng này.

Lối lên chùa Phật Tích, Bắc Ninh – Ảnh: Minh Khang

Lối lên chùa Phật Tích, Bắc Ninh – Ảnh: Minh Khang

Phật hiệu này được nhắc đến đầu tiên trong cuốn sách “Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam” (1944) và sách “Nghệ thuật Việt Nam” (1954) của học giả L.Bezacier khi ông tiến hành khai quật ngôi chùa khoảng năm (1937 – 1940) dựa vào vị trí đặt pho tượng. Tuy nhiên, cách bài trí tượng thờ khi ông đến khảo cứu và khai quật là Phật điện được xây dựng thuộc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Trước khi học giả người Pháp về khai quật khảo cổ ngôi chùa này, thì học giả Trần Trọng Kim đã đến đây tìm hiểu và gọi tên là tượng đức Phật Thế Tôn (tức Thích Ca Mâu Ni), cùng với kết quả nghiên cứu này còn có PGS. TS.Trần Lâm Biền.

Trên trang của Cục Nhiếp Ảnh Mỹ thuật và Triển lãm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đăng tải bài viếtvề Bảovật Quốc gia này cũng viết “Theo những nghiên cứu đã được công bố mới đây nhất thì pho tượng được thờ trong tháp chùa Phật Tích gọi tên là Đại Nhật Như Lai. Ngài là chủ tôn được Kim Cương giới và Thai Tạng giới Mật Tông cùng tôn thờ. Mật Tông cho rằng: Đại Nhật Như Lai chính là pháp thân Phật “Tỳ Lô Giá Na”. Đại Nhật kinh sớ viết: Phạn âm Tỳ Lô Giá Na là tên gọi khác của chữ “Nhật” (tức từ bỏ tối tăm đem lại ánh sáng). Đại Nhật có nghĩa là chiếu sáng rõ hết thảy các nơi). Và điều này, có thể liên hệ đến tên húy “Nhật Tôn” của vua Lý Thánh Tông.”

Về quan điểm cho rằng pho tượng chùa Phật tích không phải đức A Di Đà mà là đức Tỳ Lô Giá Na do thời kỳ này ảnh hưởng của Thiền hay các kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa… thì có lẽ quan điểm này chưa chính xác vì ngay Kinh Hoa Nghiêm bộ kinh ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và cả nghệ thuật Phật giáo ở các thời kỳ Đường, Ngũ Đại Thập Quốc, Lý thì Phẩm Kinh nổi tiếng nhất phải kể đến Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương nhưng Phẩm này phần cuối cũng khuyến khích về Cực Lạc quốc (thậm chí đến đầu thế kỷ XX phẩm này được Ấn Quang Đại sư xếp vào vào Ngũ Kinh Tịnh Độ).

Trong các văn bản, văn khắc đời Lý còn sót lại thì đức A Di Đà xuất hiện không hề ít như bia Sùng Thiện Diên Linh và đặc biệt một bản văn khắc thuộc hàng sớm bậc nhất thời Lý còn tìm được là bản A Di Đà Phật tụng 阿彌陀佛頌, đây là văn bản khắc trên bệ tượng Phật chùa Hoàng Kim hay còn gọi là chùa Một Mái xã Hoàng Ngô huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây cũ.

Văn bản được khắc ngay sau khi tạc pho tượng A Di Đà vào năm Hội Phong thứ 8 (1099). Bia chùa Hoàng Kim còn nêu đích danh ngài Thiền sư Trì Bát thế hệ thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi Thiền tông tức là việc thịnh hành của thiền tông và các Kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm… không hề cản trở Tịnh Độ và Phật A Di Đà tại Đại Việt lúc đó.

Một số ý kiến khác cho rằng khuynh hướng Tịnh Độ là xuất hiện sau này nhưng qua các thống kê về các loại tượng Phật, Bồ tát tại hang đá Long Môn nổi tiếng thời Nam Bắc triều, Tùy Đường triều thì số lượng tượng Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế Âm đứng hàng đầu thể hiện khuynh hướng thịnh hành thời đó ở Đông Á và cả về sau này tại Đại Việt vì văn hóa nghệ thuật Lý Trần ảnh hưởng rõ nét của Đại Đường và Ngũ Đại Thập Quốc.

(theo bảng thống kê theo Lược sử Phật giáo Trung Quốc, tác giả Viên Trí).

Bảng thống kê số lượng tượng:

Tap-chi-Nghien-cuu-Phat-hoc-So-thang-7.2022-Tuong-Phat-chua-Phat-Tich-3

Bảng thống kê chủng loại tượng:

Tap-chi-Nghien-cuu-Phat-hoc-So-thang-7.2022-Tuong-Phat-chua-Phat-Tich-4

Tuy nhiên ở đây lại xuất hiện một vấn đề khác, đó là pho tượng A Di Đà được định danh xác thực bằng văn bản tại chùa Hoàng Kim thì lại mang y phục khác với pho Phật Tích một chút nhưng rất tương đồng với các pho tượng A Di Đà cổ tại Nhật hoặc Đại Liêu Quốc một quốc gia khá đồng đại và có nền Tịnh Độ Tông rất phát triển.

Tap-chi-Nghien-cuu-Phat-hoc-So-thang-7.2022-Tuong-Phat-chua-Phat-Tich-5

Nhưng phong cách Thủ ấn của các tượng A Di Đà từ cuối thời Đường về sau và cả tượng tại Đại Liêu hay Nhật Bản mà chúng tôi thấy có kiểu y phục giống với pho chùa Hoàng Kim thì các Ngài lại được tạc kết A Di Đà Định ấn (hai tay cài chéo nhau, duỗi thẳng hai ngón cái cùng chạm đầu ngón, dựng thẳng long giữa của hai ngón chỏ sao cho hai đầu ngón chỏ chạm ngón cái, ngoài ra ngón út, ngón vô danh, ngón giữa tất cả 6 ngón tất cả cài chéo nhau bám lót ngón cái và ngón trỏ. Biểu thị ý nghĩa chúng sinh trong 6 nẻo được 4 trí Bồ Đề – đoạn giải nghĩa này lấy theo khảo cứu của cố cư sĩ Huyền Thanh).

Ngoài ra lại còn có A Di Đà Cửu Phẩm ấn tức 9 thủ ấn tương ứng với 9 bậc hóa sinh sang Cực Lạc từ Thượng Phẩm Thượng Sinh đến Hạ Phẩm Hạ Sinh, trong đó A Di Đà Định Ấn được trình bày ở trên lại trùng với ấn Thượng Phẩm Thượng Ấn (còn gọi là Diệu Quan Sát Trí Ấn) nêu biểu Thượng Phẩm Thượng Sinh do đó ấn này rất hay thường được thấy ở tượng đức A Di Đà khi ngồi.

Điều đáng tiếc là thủ ấn của pho tượng A Di Đà chùa Hoàng Kim hiện nay là mới được đắp lại gần đây và sơn thếp lên.

Còn một văn bản khác cũng nêu về Phật A Di Đà là bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp 大越國李 家弟四帝崇善延靈塔 碑, văn bản khắc trên bia chùa Long Đọi thôn Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Văn bia do Thượng thư Bộ Hình là Nguyễn Công Bật soạn, Lý Bảo Cung vâng sắc viết chữ. Bia được dựng vào ngày 6 tháng 7 năm thứ 2 Thiên Phù Duệ Vũ (20 tháng 8 năm 1121). Bia này tôi có thấy đức A Di Đà Phật được nhắc đến trong phần mô tả về Lễ Hội Quảng Chiếu tại Kinh đô “Tọa Đa Bảo Như Lai chi thụy tướng; liệt kỷ tằng pháp giá chi chân hình. Thiềm quang thước thần húc chi huy; ngõa sắc khai bích vân chi thái. Kỳ thứ, tắc bạch ngân nhị tòa, tả trí A Di Đà chi chân dung; hữu trữ Diệu Sắc Thân chi túy chất. Tiếu thư hùng thế, kiều phấn phi manh. Linh lung khi thụy tuyết chi dung; xán lạn đoạt thu thiềm chi khiết. Cánh thứ, tắc điểu văn nhị tòa. Tả an Quảng Bác Thân chi từ nhan; hữu bị Ly Bố Úy chi diệu tướng. Ký dĩ viên cao các; hựu cánh khởi nguy tằng. Cái điệt tố quỳnh; bích thuyên long trạng. Hựu thứ, tắc tượng xỉ nhị tòa. Tả hy Cam Lộ Vương chi nghi; hữu nghiễm Bảo Thắng Phật chi tụy mục.”

Đây là phần có miêu tả đàn tràng cầu phúc bày nhiều vị trong đó có 7 vị Phật mà hiện nay vẫn phổ biến tại chùa Việt đặc biệt tại miền Bắc đó là Thất Bảo Như Lai, và khi tra tìm thủ ấn của Thất Bảo Như Lai (Đa Bảo Như Lai, Bảo Thắng Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Ly Bố Uý Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, A Di Đà Như Lai, Cam Lộ Vương Như Lai) thì cũng thấy đức A Di Đà Phật hay kết ấn Định Ấn như trên đã đề cập.

Như vậy, hiện nay chúng ta đã có một pho A Di Đà được định danh ở Hoàng Kim có y áo tương đồng với các tượng cùng loại ở nhiều nơi nhưng mấu chốt ở thủ ấn thì hiện nay chưa rõ nguyên trạng ban đầu.

Nhưng kể cả tượng chùa Phật Tích có khác biệt tương đối về y áo thủ ấn với các tượng đồng đại cùng khu vực hay quốc gia thì cũng chưa đủ để khẳng định đó không phải tượng A Di Đà Phật.

Đức A Di Đà còn một thủ ấn nữa rất hay thấy đó là ấn Thiền Định nhưng pho tại chùa Phật Tích lại có điểm cần nghiên cứu thêm đó là các tượng khác thường đặt tay phải lên lòng tay trái thì tượng tại đây lại đặt lòng tay trái lên trên lòng tay phải?

Một vấn đề đặc biệt nữa mà chúng tôi thấy đó lá dáng dấp của tượng này rất đặc biệt so với các tượng tại Việt Nam, cũng như các tượng Tứ Pháp chùa Dâu cùng tại xứ Kinh Bắc (mặc dù các tượng gỗ này niên đại khoảng thế kỷ XVI, XVII nhưng bảo tồn được các đặc điểm cổ).

Cả 2 pho tượng đều có nhiều điểm chung về dáng người cao to (dáng thanh có vẻ của người Âu Ấn), đặc biệt là cổ cao đặc điểm hay thấy ở tượng Lục Triều. Pho tượng Pháp Vân nhìn phong cách thậm chí còn có nét cổ hơn cả pho tượng Phật Tích ở điểm còn giữ được cả thế tay phải hướng lên, tay trái hướng xuống, một loại tay ấn rất phổ biến của tượng Phật Nam Bắc Triều hiện tại tay ấn này không còn phổ biến tại các tượng về sau nữa, thậm chí cả nét mặt với gò má cao và nụ cười cũng tương tự như vậy. Cách tạc đôi mắt của tượng Phật Tích thì có cổ hơn và giống nét của bên Tây Tạng, Ấn Độ, chi tiết áo nếp phủ kín lại giống Nam Bắc Triều, áo phủ vai hình lá sen thì lại tương tự Thiên Y của Tây Tạng, Đảng Hạ, Nam Chiếu… đài sen nhỏ thì lại giống phong cách Ấn.

Đặc điểm văn hóa này còn cho thấy sự ảnh hưởng của người Hồ tại Giao Châu khi đó, vì chung quy văn hóa Lục Triều cũng do vai trò của người Hồ nổi lên khắp thiên hạ khi đó, đến tận nhà Đường sau này cũng có gốc gác Tiên Ty, từ loạn Ngũ Đại Thập quốc Việt mới tách ly. Theo một số tài liệu lịch sử thì:

Tap-chi-Nghien-cuu-Phat-hoc-So-thang-7.2022-Tuong-Phat-chua-Phat-Tich-7

– Sĩ Nhiếp (quê gốc Hà Nam, Trung Quốc ngày nay) đi đâu cũng có rất nhiều người Hồ đi cùng, cũng cần nói thêm người Hồ là cách chỉ chung các tộc như Tiên Ty, Hung Nô, Khương Cư, Thổ Phồn, Tây Hạ… trong Tiên Ty lại có các bộ Mộ Dung, Thác Bạt…– Vua đầu tiên của Việt Nam là Lý Nam Đế, sang Giao Châu được 5 đời nhưng gốc gác là tỉnh Sơn Tây, tỉnh này từ đời Hán Tào Tháo đã đem người Hung Nô đến ở nhằm chia họ ra vì quá đông. Ngay cách xưng Lý Phật Tử của Hậu Lý Nam Đế cũng cho thấy ảnh hưởng phong cách của cách vương triều gốc Hồ.– Đại sư Khương Tăng Hội cũng là người Khương Cư.– Đến mãi trước khi họ Khúc xây nền tự chủ thì vị Tiết Độ sứ gần nhất cũng là Độc Cổ Tổn (họ của Tiên Ty, bên ngoại của Đường Thái Tổ Lý Uyên).Những cuộc di dân, ly hợp biến loạn cho ta thấy đến tận đời Lý kết cấu dân cư văn hóa cũng không phải thuần việt như đa số nghĩ, dường như dáng người của tượng chùa Phật Tích ngoài ảnh hưởng của văn hóa Lục Triều, Tùy Đường còn cho thấy sự đa dạng về chủng tộc hợp cư trên đất Đại Việt khi đó?Qua đây chúng ta thấy thêm pho tượng Phật Tích quả thật rất đặc biệt cả ở dáng người, tư thế, y áo và cả thủ ấn nhưng vẫn không thể bác bỏ hoàn toàn cách định danh cũ và có lẽ cần nhiều nghiên cứu nữa để giải đáp một cách thỏa đáng về tên gọi của pho tượng.

Ghi chú: Bài viết thể hiện văn phong, lập luận và góc nhìn riêng của tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Bảo Vật Quốc Gia Chùa Phật Tích Đ.X.N đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 9 năm 2013 http://ape.gov.vn/bao-vat- quoc-gia-tuong-phat-chua-phat-tich-ds282.th

– Lược Sử Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo thời Nam Bắc Triều, tác giả Viên Trí

– Chu Quang Trứ “Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc” Nxb Mỹ thuật, 2001.

– Thủ Ấn của A Di Đà Phật, biên dịch cư sĩ Huyền Thanh.

– Về tư liệu văn khắc Hán Nôm thời Lý (Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121), tr.43-50), PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

– Văn bia chùa Hoàng Kim, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

– Văn bia Sùng Thiện Diên Linh. Trang 169, sách Văn bia chùa Phật thời Lý, Nxb Khoa học Xã hội, 2011.

– Tịnh Độ Ngũ Kinh – Thư viện Hoa Sen.– Nụ cười Nam Bắc Triều, tác giả Diệu Hỷ đăng trên GR Chùa Việt 20-10-2020.

vote post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chọn chuyên mục

Đóng

Thời Tiết

Đóng

Liên Hệ

Đóng