Tìm hiểu một số ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ nước ta, trải qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước, người Hà Tĩnh đã xây dựng nên một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, gồm các di tích lịch sử – văn hóa có giá trị. Hiện nay, Hà Tĩnh có 623 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 535 di tích cấp tỉnh (1). Bài viết nêu hiện trạng cũng như công tác quản lý 7 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhằm mục đích mô tả toàn diện về hiện trạng các di tích và công tác quản lý di tích ở Hà Tĩnh.

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích – một trong những ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhất của dãy Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích – một trong những ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhất của dãy Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

1. Khái quát chung về những ngôi chùa ở Hà Tĩnh

Xét từ lý thuyết vùng văn hóa, các ngôi chùa ở Hà Tĩnh mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Nghệ Tĩnh, khác biệt với các ngôi chùa ở địa phương khác. Các đặc trưng của vùng văn hóa, biểu hiện trong hệ thống các chùa ở đây là: Thứ nhất, Hà Tĩnh vốn là vùng đất phên dậu của đất nước, gắn liền với lịch sử giữ gìn bờ cõi. Vì thế, trong các chùa, bên cạnh ban thờ Phật, còn thờ các nhân vật lịch sử khai phá, trấn giữ biên ải (chùa Diên Quang gắn với Hoàng hậu Bạch Ngọc). Thứ hai, Hà Tĩnh là vùng đất xa trung tâm, xét theo lý thuyết vùng văn hóa, thì đây là một vùng có tính chất ngoại vi, nên chùa ở đây còn lưu giữ được những dấu vết cổ xưa, giống như hiện tượng hóa thạch văn hóa. Đó là các ngôi chùa không tồn tại riêng lẻ, mà thường tồn tại trong một quần thể chùa – đền – miếu, thể hiện rõ sự hòa quyện của Tam giáo đồng nguyên. Hiện tượng này, ở các vùng văn hóa khác đã bị mai một do tác động của lịch sử, nhưng ở Hà Tĩnh, vẫn còn khá đậm nét. Thứ ba, Hà Tĩnh là vùng biên ải, nơi tiếp giáp với nền văn hóa Chămpa. Chính vì vậy mà trong hệ thống chùa ảnh hưởng của văn hóa Chămpa (tượng ở chùa Xuân Đài) và cả ảnh hưởng lối kiến trúc chùa của người Khmer là chùa mở cửa ở đầu hồi nhà (chùa Bảo Lâm, chùa Am). Thứ tư, do điều kiện địa lý (thiên nhiên của vùng văn hóa Nghệ Tĩnh) nên các ngôi chùa ở Hà Tĩnh có cảnh quan rất đẹp (Hương Tích, Tượng Sơn, Chân Tiên). Thứ năm, do điều kiện kinh tế đặc trưng của vùng văn hóa Nghệ Tĩnh là nhiều thiên tai, đất khô cằn, nên kinh tế nhìn chung còn nghèo. Vì thế, về cơ bản, chùa Hà Tĩnh chủ yếu là các chùa nhỏ, quy mô làng, chùa liên làng rất hiếm.

2. Hiện trạng của các di tích lịch sử – văn hóa Phật giáo cấp quốc gia

Trải qua các biến cố lịch sử, hệ thống chùa, tháp, thiền viện ở Hà Tĩnh phần lớn bị hư hại, bỏ hoang. Hà Tĩnh đã có thời kỳ trở thành miền đất trắng về Phật giáo. Các di tích cấp quốc gia này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của những tác động tiêu cực ấy. Các công trình kiến trúc một thời gian dài không được trùng tu, tôn tạo, đất chùa bị lấn chiếm. Nhưng đây là những ngôi chùa còn giữ lại được nhiều nhất giá trị lịch sử văn hóa và nghệ thuật, bởi chùa được xây dựng khá kiên cố, quy mô lớn so với các ngôi chùa khác ở Hà Tĩnh và được cộng đồng chung sức gìn giữ. Tuy nhiên, chúng cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Sự quan tâm của chính quyền đến các di sản này, thực sự mới chỉ bắt đầu từ năm 1990, khi đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đổi mới, đã có những thành tựu đáng ghi nhận và khi Hà Tĩnh tách ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh. Với những giá trị mà các ngôi chùa này còn gìn giữ được, đặc biệt là các công trình kiến trúc và các cổ vật, nên ngay trong thập niên 1990, các ngôi chùa Hương Tích, Chân Tiên, Yên Lạc, Tượng Sơn, Diên Quang, năm 2004 chùa Thiên Tượng, năm 2008 đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Chùa Hương Tích

Ngôi chùa này được xây dựng vào thời nhà Trần, nhưng qua nhiều biến cố, kiến trúc đời Trần không còn nữa. Quần thể kiến trúc hiện nay của chùa là kiến trúc được tôn tạo vào thời Nguyễn gồm: đường lên di tích, chợ trời, vườn chùa, sân, nhà bái đường, thượng điện, khu hành lang, sân nhà Thánh Mẫu… Tuy nhiên, một số công trình đã bị xuống cấp. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1998, chùa đã được tỉnh đầu tư duy tu, tôn tạo. Hằng năm, huyện Can Lộc chi khoảng 3 tỷ đồng cùng nguồn lực huy động từ xã hội hóa để chống xuống cấp, bảo tồn di tích. Công ty du lịch Cáp treo Hồng Lĩnh đã đầu tư 120 tỷ để xây dựng cáp treo từ chân núi lên chùa. Dự án “Cải thiện vệ sinh môi trường Khu du lịch chùa Hương Tích” được Bộ VHTTDL phê duyệt hơn 159 tỷ đồng từ nguồn ODA để cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch tại chùa Hương Tích. Đến thời điểm này các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hằng năm, theo số liệu của Ban Quản lý di tích cung cấp, mỗi năm có khoảng 20 nghìn du khách, huyện thu 3 tỷ đồng tiền vé, tiền công đức vào khoảng 4-5 tỷ. Từ năm 2018, UBND huyện Can Lộc đã thực hiện sau chuyển đổi mô hình quản lý tại khu du lịch chùa Hương Tích. Trong mô hình quản lý này, có sự kết hợp quản lý giữa Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp. Đây cũng là mô hình quản lý di sản đạt hiệu quả cao.

Chùa Chân Tiên

Chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần. Trải qua thời gian, chùa bị hư hỏng nặng và đã được tu sửa nhiều lần. Hiện nay, chùa gồm hai tòa, một thờ Phật và một thờ Thánh Mẫu. Tòa thờ Phật là một kiến trúc gồm ba gian, lợp ngói âm dương, bốn cột xây, ba bên có tường bao quanh, phía trước để thoáng. Tòa thờ Mẫu, gồm có thượng điện, kiệu long đình và bái đường. Do chùa bị hư hỏng khá nặng, đặc biệt là tòa Thánh Mẫu, nên nhân dân đã đóng góp công của để tu sửa, đến năm 1990, tòa Thánh Mẫu mới được trùng tu hoàn chỉnh. Năm 1992, chùa được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, tỉnh cũng cấp kinh phí để tiếp tục trùng tu, chống xuống cấp di tích. Năm 2000, hiện trạng của chùa được đánh giá là xuống cấp một phần. Đến nay, chùa đã 3 lần được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi chùa hiện đã xuống cấp, chật hẹp không còn đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Năm 2019, dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Chân Tiên, gồm các hạng mục: tu bổ chùa Thượng (tiền đường, thượng điện), nhà Tổ, nhà Mẫu, giếng nước cổ; xây dựng mới: cổng, Tam bảo, nhà sắp lễ, bếp, nhà vệ sinh; xây dựng lại nhà Tăng do Công ty Tư vấn Việt Hà thực hiện trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa, với 18 hạng mục cơ bản, tổng diện tích xây dựng 3.448m2. Với nguồn vốn Nhà nước trên 20 tỷ đồng, chùa hiện nay đã khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Về công tác quản lý chùa hiện nay do Đại đức Thích Viên Như – Trụ trì chùa Chân Tiên và cộng đồng cư dân quản lý qua ban hộ tự.

Vẻ đẹp chùa Tây Phương – Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Yên Lạc

Hiện chưa xác định chính xác chùa Yên Lạc ra đời vào năm nào, theo sách Hà Tĩnh di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt thì chùa đã có mấy trăm năm. Chùa bao gồm các công trình kiến trúc: nghi môn, hạ điện, trung điện và thượng điện, bố trí theo một trục thẳng, nền của các công trình sau cao hơn các công trình trước. Đối xứng qua trục công trình chính, là nhà cô hồn phía Tây và nhà bia phía Đông, tạo cho chùa có một sự đăng đối, hài hòa và trang nghiêm. Chùa đã được cộng đồng dân cư gìn giữ qua nhiều biến cố. Năm 1947, chính quyền đã bỏ công quỹ ra tu sửa lại chùa. Năm 1990, chính quyền địa phương cũng huy động đóng góp của dân tu bổ chùa. Hiện chùa còn giữ khá nguyên vẹn những công trình kiến trúc cổ. Tuy có một vài hư hỏng nhẹ, nhưng chùa được giữ ở hiện trạng khá tốt. Chùa còn bảo lưu được một hệ thống tượng phật khá đầy đủ và nguyên bản. Năm 1994, chùa được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Từ đây, công tác bảo vệ di tích được các cấp chính quyền quan tâm, Hội Phật giáo Hà Tĩnh làm tốt công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chùa, hơn 80% nguồn kinh phí tôn tạo chùa đều từ sự đóng góp của cộng đồng.

Chùa Diên Quang (chùa Am)

Đây là ngôi chùa do Hoàng hậu Bạch Ngọc khởi dựng vào TK XV. Chùa bố trí theo hình chữ công, gồm bảy gian chính, hai gian hồi, mái kiểu chồng diêm. Toàn bộ ngôi chùa có sáu mươi cây cột, tám vì kèo. Mỗi vì kèo gồm hai cột cái, hai cột con và hai cột hiên. Các vì kèo này được kết nối với nhau bằng các xà ngang, xà dọc, hoành tải… Mọi đầu nối đều không cần dùng đinh, gắn kết với nhau rất khít. Kết cấu khung gỗ và mái chồng, về tổng thể công trình khá đồ sộ, uy nghi, kiên cố, nhưng vẫn mềm mại, uyển chuyển, hài hòa vào với cảnh quan thiên nhiên. Tính bố cục chặt chẽ, hệ thống. Sân chùa rộng, được bao kín bằng lan can thấp, đắp hình hoa thị, thống nhất với những họa tiết trang trí trên các ô thoáng của chùa. Trong chùa, việc bài trí cũng khá độc đáo. Bốn trong bảy gian được dùng làm nơi cầu kinh, niệm Phật, hành lễ. Ba gian sau cao hơn một bậc, là nơi đặt hệ thống các bàn thờ Phật. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là phối thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc trong chính điện, tượng của bà được đặt ngay bên phải của bàn thờ, trên có đặt các tượng Phật. Ngày 13-2-1995, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là BVHTTDL) đã ra quyết định công nhận chùa Diên Quang là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo.

Chùa đã từng được trùng tu nhiều lần dưới triều nhà Nguyễn, cho đến năm 2000, chùa được đánh giá là xuống cấp một phần. Năm 2010, chùa Am được trùng tu giai đoạn 1 với khuôn viên bên ngoài, kết hợp với kiến trúc chùa cổ tạo thành một khối thống nhất theo đúng kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Năm 2014, với sự đóng của các nhà sử học, nghệ nhân đúc đồng ở Ý Yên – Nam Định, nghệ nhân chạm tam khí tại Đồng Xâm – Thái Bình và sự đồng thuận của các cấp chính quyền cùng người dân địa phương, đã đóng góp ủng hộ xây dựng thành công lầu Quan Âm với tượng Bồ Tát Quan Âm tự tại bằng đồng với lối chạm khắc tinh xảo để cho người dân chiêm bái khi về chùa.

Chùa Thiên Tượng

Chùa Thiên Tượng được xây dựng vào khoảng TK XIV đời nhà Trần. Chùa tọa lạc trên núi cùng tên, trong một khuôn viên rộng, được giới hạn bởi hai con suối. Năm 1885, chùa bị giặc Pháp đốt và bị bỏ hoang nhiều năm. Dưới thời Tổng đốc Đào Tấn, ông đã cho xây dựng lại chùa. Thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, do chùa là căn cứ hoạt động cách mạng, nên lại bị tàn phá, tăng ni bị tàn sát, đồ thờ bị tản mát, nên ngôi chùa chỉ còn lại một mảng kiến trúc nổi, thuộc về kiến trúc của lần trùng tu thời Nguyễn. Quần thể kiến trúc, bao gồm: Hạ điện đã bị hủy hoại, Thượng điện còn khá nguyên vẹn, gồm ba gian, mỗi gian chia hai gian hình vòm. Phía Tây chùa còn giữ được hai tháp lớn là Lưu Đức tháp (TK XVIII) và Thạch Sơn tháp (đầu TK XX). Trước nhà thượng điện có tượng đài Phật bà Quan Âm Bồ Tát, tượng cao 1,5m, đài cao 3,5m. Trong thập kỷ 1990, chùa đã được nhân dân đóng góp tu bổ, cảnh quan khuôn viên dần được phục hồi, nhà thượng tịnh, nhà tăng, nhà khách, cũng được tôn tạo lại, đường lên chùa, hệ thống tháp, tượng đài cũng được sửa sang, đồ tế tự được bổ sung. Tuy nhiên, vào năm 2000 chùa vẫn được đánh giá là dạng xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Tượng Sơn

Tượng Sơn được xây dựng vào TK XVII, do mẹ của danh y Lê Hữu Trác là bà Bùi Thị Thường khởi dựng. Chùa gồm ba tòa: Thượng điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni ở chính điện, hai bên thờ họ nội và họ ngoại của danh y Lê Hữu Trác. Hạ điện là một lầu chuông tám mái, chạm trổ tinh xảo. Bên cạnh đó, năm 2006, Bộ Y tế đã đầu tư 25 tỷ đồng để tu bổ và xây dựng lại bao gồm: Tượng đài Lê Hữu Trác, khu mộ, khu di tích vườn thuốc cổ, nhà xe, nhà đón tiếp, đại điện chùa Tượng Sơn và một số hạng mục khác trong chùa. Chùa trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể khu di tích tưởng niệm danh y Lê Hữu Trác. Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Quý Gia đã đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Hải Thượng tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, cách khu mộ Lê Hữu Trác 1km. Tháng 12-2014, khu du lịch cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được bàn giao cho Công ty quản lý. Chùa do chính quyền xã quản lý và có trách nhiệm giữ gìn di tích. Địa phương đã thành lập tổ bảo vệ có đại diện mặt trận xã, các cụ và bà con phật tử, nhân dân xã chăm lo lễ Phật.

Chùa Thịnh Xá và đền Bạch Vân

Di tích đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2008, trong một thời gian dài, đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá bị bỏ hoang không có ai trông nom chăm sóc. Các hiện vật trong đền Bạch Vân đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà cửa hư hỏng, các mảng chạm khắc hoa văn tinh tế cũng mất dần. Chùa Thịnh Xá và gác chuông tuy đã được nâng cấp năm 2004, nhưng đến nay đã xuống cấp. Nền nhà chùa cần nâng cao để tránh ngập lụt… Năm 2011, Bộ VHTTDL đã phê duyệt dự án trùng tu nâng cấp đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá với tổng kinh phí 11,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên dự án này chỉ thực hiện được các hạng mục như, nâng cấp nền nhà Hạ điện, Trung điện, Thượng điện; nâng cấp nhà khách 7 gian; tôn tạo lại mặt bằng khuôn viên đền Bạch Vân với số tiền 4,2 tỷ đồng, còn các hạng mục khác đều dừng lại. Năm 2021, Bộ VHTTDL nhất trí Dự án trùng tu đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá. Về quy hoạch tổng thể, Bộ yêu cầu chú trọng việc tu bổ theo hướng nguyên trạng, cần được nghiên cứu tính khoa học, phù hợp với quy mô và hình thức kiến trúc hiện có. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo chùa Thịnh Xá và đền Bạch Vân với tổng kinh phí dự tính là hơn 20 tỷ đồng. Dự án sẽ tu bổ, tôn tạo đền và chùa, tu bổ tam quan và xây dựng mới một số hạng mục như: am hóa vàng, nhà thép bao che đền chính, nhà bảo quản phế tích, chế tác, lắp đặt nội thất đồ thờ… Trong giai đoạn I, dự án sẽ triển khai thực hiện tu bổ hạng mục chính là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện trong thời gian 1 năm với giá trị gói thầu là 2,9 tỷ đồng.

3. Công tác quản lý bảy ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia

Để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử – văn hóa Phật giáo, liên tục từ năm 2009 đến năm 2021, Sở VHTTDL phối hợp với UBND các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Hồng Lĩnh, Hương Sơn tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về phê duyệt các đề án Quy hoạch tổng thể những ngôi chùa được xếp hạng cấp quốc gia, như chùa Yên Lạc, Hương Tích, Thiên Tượng, Diên Quang, Chân Tiên và Tượng Sơn. Các đề án này đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn và khai thác các di tích nêu trên.

Đến nay, các chủ thể quản lý những ngôi chùa này bao gồm: Nhà nước, cộng đồng và Giáo hội Phật giáo. Mỗi chùa được xếp hạng đều có Ban bảo vệ, Ban hộ tự hoặc Ban hộ trị để trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý di tích. Các Ban hộ tự hoặc Ban hộ trị đều có trách nhiệm trông coi, chăm sóc chùa, tổ chức hoặc hỗ trợ tổ chức sư trụ trì và bảy ngôi chùa đều có sư trụ trì. Các nhà sư trụ trì đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, tôn tạo chùa và kêu gọi các nguồn đầu tư để xây dựng, mở rộng di tích.

Phòng Văn hóa – Thông tin chịu trách nhiệm quản lý chung các chùa trong địa bàn huyện; trực tiếp quản lý hai trong số bảy ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đó là chùa Hương Tích có ban quản lý riêng, chùa Thiên Tượng do thị xã Hồng Lĩnh trực tiếp quản lý, nhưng không có biên chế riêng như chùa Hương Tích mà là các thành viên kiêm nhiệm.

Cấp xã trực tiếp quản lý số di tích còn lại, bao gồm năm di tích xếp hạng cấp quốc gia là Thiên Tượng, Chân Tiên, Yên Lạc, Tượng Sơn, đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá. Mỗi xã đều có ban quản lý di tích xã trực tiếp quản lý do Phó Chủ tịch, hoặc Trưởng ban Văn hóa xã làm trưởng ban, thành viên là Trưởng thôn, Bí thư hoặc Trưởng Ban hộ tự thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các di tích trên địa bàn xã.

Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước mọi hoạt động liên quan đến di tích; đề xuất việc bổ nhiệm các sư trụ trì để cơ quan quản lý nhà nước chuẩn y; làm quy hoạch, đề án trong các dự án tôn tạo, xây dựng, phục dựng và xây mới các di tích lịch sử Phật giáo nếu họ là chủ đầu tư; huy động các nguồn xã hội hóa để duy trì hoạt động của các chùa và tôn tạo, trùng tu các chùa đó; tổ chức và duy trì các hoạt động văn hóa tâm linh tại các không gian của di tích; quản lý tiền công đức các chùa là sư trụ trì, tuy nhiên sư phải báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước khi sử dụng tiền công đức đó cho các mục đích tôn tạo, trùng tu, mở rộng lớn. Họ có quyền tự chi tiêu không dưới 20% số tiền công đức cho các hoạt động thường xuyên và tu sửa nhỏ trong di tích.

Sự tích và chứng tích Quán Âm Diệu Thiện ở chùa Hương Tích Hà Tĩnh

Kết luận

Hiện trạng các ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ở Hà Tĩnh đã được quy hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo tồn với quy mô và hạng mục khác nhau. Tuy nhiên, tại một số chùa các hạng mục đang xuống cấp cần duy tu, tôn tạo hoặc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, vùng bao quanh di tích như chùa Chân Tiên, Yên Lạc, Thiên Tượng. Hà Tĩnh làm rất tốt và hiệu quả cao công tác xã hội hóa trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích bằng nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt chuyển giao việc khai thác quản lý di tích có sự phối hợp giữa Nhà nước, cộng đồng cư dân và doanh nghiệp như chùa Hương Tích, chùa Tượng Sơn… Thành công của mô hình quản lý này của Hà Tĩnh là kinh nghiệm quý giá trong công tác quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

1. Số liệu do tác giả phỏng vấn ông Nguyễn Tùng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh cung cấp.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Hà Tĩnh, Hà Tĩnh – Di tích quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt, Nxb Đại học Vinh, Nghệ An, 2014.

2. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, 44 hồ sơ xếp hạng di tích (Các chùa).

TS TRẦN THỊ DIỆU THÚY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

vote post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chọn chuyên mục

Đóng

Thời Tiết

Đóng

Liên Hệ

Đóng