Đình Chiết Bi có kết cấu của một ngôi nhà rường truyền thống Huế, gồm 3 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, phần mái hiên lợp ngói liệt, chính giữa bờ nóc trang trí mặt nhật, 2 đầu nóc là hình tượng “Long hồi”. Hệ thống bờ tè, bờ quyết được gắn bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hai bên có đắp hoa lá, cây cối cách điệu. Hai mặt đầu hồi có đắp nổi hình mặt dơi bằng xi măng. Các đề tài, motip trang trí này ngoài việc thể hiện là những điểm nhấn mỹ thuật còn thể hiện niềm mơ ước của người dân, cầu mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.
Hiện nay tại di tích đình Chiết Bi có diễn ra một số hoạt động văn hóa, lễ hội như: Ngày 8/2 (âm lịch): Tổ chức lễ Xuân tế cúng các vị thần của làng kết hợp với một số hoạt động văn hóa, thể dục thể thao như: đua ghe, đua thuyền, chạy việt dã, kéo dây, kéo co…Lễ hội này tổ chức khá lớn. Ngày 12/7 (âm lịch): Tổ chức lễ Thu tế, lễ tế thành hoàng, cúng lục tổ khai canh, các vị khai khẩn và tổ chức các hoạt động văn nghệ, khuyến học, phát phần thưởng và khen thưởng cho các em học sinh có thành tích học tập tốt. Ngoài ra, hằng năm cứ đến dịp tết Nguyên Đán ở đình làng còn tổ chức một số hoạt động mang đậm dấu ấn làng quê như lễ thượng nêu, lễ hạ nêu…và một số hoạt động khác.
Tuy đã trải qua một thời gian tồn tại khá dài, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa nhưng nhìn chung đình vẫn giữ được những yếu tố gốc mang đậm phong cách kiến trúc đình làng xứ Huế với hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống mang đậm dấu ấn và đặc trưng của nhà rường xứ Huế. Đây là một nguồn tư liệu vật chất, một dấu ấn văn hóa góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của cha ông để lại. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn huyện Phú Vang như nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diễu, đình An Truyền, đình Lại Thế, tháp Phú Diên, đình Quy Lai, đình làng Sình, đình Tây Hồ, Chùa Hà Trung…đình Chiết Bi góp thêm phần đa dạng và phong phú cho hệ thống di sản văn hóa vật thể – những chứng tích vật chất và tinh thần phản ánh sinh động về đời sống, phong tục, tập quán cũng như lịch sử phát triển và bề dày văn hóa của cộng đồng cư dân trên vùng đất Phú Vang.
(Nguồn: Thừa Thiên Huế)