Mục lục
Nỗi lo xâm thực
Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa Đậu, cho biết rất lo lắng khi trong hộp kính lớn bảo quản hai pho tượng táng trong chùa xuất hiện ruồi. Chùa Đậu – ngôi chùa cổ kính hơn 2.000 năm tuổi vốn nổi tiếng với hai bức tượng táng, trong đó có di hài hai vị sư trong tư thế ngồi thiền được bó sơn ta, niên đại giữa thế kỷ 17. Năm 2016 cả hai pho tượng đã được đưa vào danh sách Bảo vật quốc gia.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, cho biết các nghiên cứu trên thế giới vẫn khẳng định muốn ướp xác thì phải thực hiện đầy đủ các bước: dùng thuốc ướp, bỏ nội tạng, hút óc và phải để thi hài trong quan, quách… Mặc dù vậy, di thể hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường toàn thân không có vết đẽo đục, không có hiện tượng bỏ nội tạng, hút óc, chứng tỏ thi hài được để nguyên khi ướp, song vẫn không bị hủy hoại, mặc dù đã trải qua 400 năm.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho thấy hai bức tượng này mang những giá trị tiêu biểu cho loại hình “tượng táng” ở VN. Ở nước ta, cho đến nay đã tìm thấy 4 tượng nhục thân, đều có niên đại thế kỷ 17. Tuy nhiên, 2 tượng ở chùa Đậu là nguyên vẹn nhất, tiêu biểu nhất cho giai đoạn vô cùng ngắn ngủi của tục tượng táng.
Ngày 16.6 vừa qua, Sở VH-TT Hà Nội đã gửi văn bản cho UBND H.Thường Tín về việc kiểm tra rà soát hai pho tượng nhục thân Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường tại di tích chùa Đậu. Theo đó, Sở cho biết đã nhận được thông tin phản ánh tại di tích chùa Đậu đang diễn ra hiện tượng xâm thực, ảnh hưởng tới sự tồn tại của hai pho tượng nhục thân nhà sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường.
Văn bản cũng cho biết di tích chùa Đậu đã xếp hạng di tích cấp quốc gia và do UBND H.Thường Tín quản lý theo phân cấp. Sở VH-TT Hà Nội đề nghị UBND H.Thường Tín chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Nguyễn Trãi khẩn trương kiểm tra và có biện pháp xử lý các thông tin nêu trên, có kế hoạch mời các nhà khoa học phối hợp, có phương án xử lý kịp thời, nếu có.
Quy chế nào cho bảo vật quốc gia?
Dự án bảo quản hai pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường đã được thực hiện từ năm 2003. Với tượng thiền sư Vũ Khắc Minh, các nhà khoa học đã gỡ bỏ chất gắn cũ trên vết nứt của tượng, diệt khuẩn, gắn lại vết nứt bằng sơn ta trộn mùn cưa mịn. Với tượng thiền sư Vũ Khắc Trường, việc bảo quản phức tạp hơn. Các nhà nghiên cứu phải làm tượng đối chứng, sau đó đổ khuôn, tạo cốt… rồi mới phục chế. Hai pho tượng sau đó được đặt trong khán thờ bằng gỗ mít, nằm trong hộp kính đã rút hết không khí và bơm khí nitơ để bảo quản.
Vấn đề nằm ở chỗ sau khi dự án này hoàn thành, tới nay chưa hề có một dự án nào kiểm tra theo dõi hiện trạng của hai pho tượng. Ngay cả hiện trạng khí nitơ trong hộp kính còn hay hết cũng không được kiểm tra định kỳ. Hiện tượng côn trùng xuất hiện trong hộp kính cho thấy hộp đã không còn kín và có các loại khí khác ngoài nitơ lọt vào. Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý của Sở VH-TT Hà Nội cũng như H.Thường Tín. Tuy theo phân cấp, huyện là đơn vị chịu trách nhiệm chính với hai bảo vật quốc gia này, nhưng Sở cũng không thể đứng ngoài khi là đơn vị lập hồ sơ bảo vật quốc gia cho tượng.
Hiện tượng làm hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho các hiện vật quý rồi sau đó lại bỏ bê không giám sát thường xuyên cũng khiến công chúng lo ngại về quy chế liên quan. Vụ việc tượng hai vị thiền sư nhiều năm không được kiểm tra làm nhớ đến tình trạng những khẩu súng thần công ở Hà Tĩnh không có chỗ để, phải nằm lăn lóc ở hành lang.
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN), hiện tại cũng chưa biết hai bức tượng bị ảnh hưởng thế nào. Ông cho biết H.Thường Tín và ngành VH-TT-DL vừa có cuộc họp liên quan đến hai bảo vật quốc gia này. Dự án sẽ kiểm tra lại hiện trạng của hai pho tượng, sau đó lên kế hoạch tiếp theo, trong đó có cả việc tiếp tục bơm khí nitơ bảo quản tượng. PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho hay ông sẽ là chủ trì của dự án. Bên cạnh đó, một nguồn tin từ Hà Nội cho biết, ngoài PGS-TS Nguyễn Lân Cường, nhiều khả năng các nhà nghiên cứu và bảo tồn từ Viện Bảo tồn di tích sẽ được mời vào cuộc.
Theo Báo Thanh Niên