Chào mừng bạn đến với Top9.com.vn. Bạn hãy cùng chúng tôi khám phá Chùa Phật Tích – Chùa Vạn Phúc gồm có những vẻ đẹp, văn hoá, ẩm thực và con người nơi đây như thế nào nhé
Chùa Phật Tích – Chùa Vạn Phúc nằm ở đâu của nước ta?
Dưới đây là một số bài viết về chủ đề khám phá, địa điểm tham quan du lịch được chúng tôi liên tục cập nhật hằng ngày tại website top9.com.vn. Mời bạn cùng chúng tôi theo dõi nhé!
Chùa Phật Tích Tiên Du có tên là Vạn Phúc thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích Huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20 km về phía Đông. Nếu từ Hà Nội, đi theo đường quốc lộ số 1 mới (đường cao tốc), đến biển chỉ đường “Chùa Phật Tích”, rẽ tay phải vào đường số 295, đi 7 km thì đến Chùa Phật Tích Vạn Phúc.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (tập I, NXB Khoa học xã hội, H. 1971) thì chùa Vạn phúc được xây dựng vào năm 1057. Nhưng theo “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” (bộ ván khắc còn lưu ở Chùa Dâu Huyện Thuận Thành) và truyền thuyết dân gian thì có thể Chùa Phật Tích Vạn Phúc có từ cuối thế kỷ thứ III.
Cũng như chùa Dâu, Chùa Bút Tháp,… Chùa Phật Tích Vạn Phúc là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu được giới nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu tôn giáo trong và ngoài nước rất quan tâm tìm hiểu. Mối quan tâm đó được gợi ra từ những nét độc đáo của ngôi chùa.
1. Trước hết là địa thế nơi dựng chùa.
Chùa Vạn Phúc được xây dựng trên núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng), cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống. Tính từ cổng chùa lên đến vườn tháp, khu vực chùa có 3 lớp.
Từ cổng chùa nhìn vào, qua một đoạn đường bằng, là những bậc đá lên vườn chùa. Vườn chùa là khu đất cao hơn khu vực cổng chùa 3,7 mét và được kè đá chắc chắn. Những viên đá có hình khối hộp chữ nhật này được chế tác từ thời Lý và bờ kè đá cũng được tạo ra từ thời Lý. Dãy tường đá dài 58 mét, dưới chân có một cấp nữa, được kè vuông góc với bờ tường cấp thứ hai rộng một mét, cao 0,75 mét. Chính giữa chiều dài bức tường có một con đường đá rộng 5 mét được cấu tạo thành 30 bậc. Đi hết 30 bậc sẽ lên đến nền gác chuông (rộng 11 mét, dài 13 mét. Đi tiếp đến lớp nền thứ hai. Lớp nền này rộng 62 mét, có tường đá cao 5 mét. Tường đá này cũng được tạo từ thời Lý để ngăn cách với lớp nền thứ ba. Ở khoảng giữa bức tường dài cũng có con đường đốc với những bậc đá dẫn lên chùa. Nằm đối xứng giữa hai bậc đá dẫn lên chùa, tại mép tường đá là hai dãy tượng thú thờ bằng đá, gồm 10 con: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử (mỗi giống có hai con). Lớp nền thứ hai có chiều sâu 66 mét. Tại lớp nền này, các công trình kiến trúc chính được hiện diện.
Cũng có thể công trình kiến trúc của Chùa Phật Tích Vạn Phúc thời Lý cũng ở khu vực này. Nhưng dấu tích còn để lại ngày nay là tác phẩm kiến trúc của thế kỷ XVII. Dấu tích này cho chúng ta thấy: ở giữa là ngôi tiền đường gồm 11 gian, tòa thiêu hương gồm 3 gian, tòa thượng điện 5 gian, tòa hậu cung 9 gian; hai bên là hai dãy hành lang, mỗi dãy 7 gian, phía trái có nhà phương trượng 5 gian, phía trước kề liền đó là tòa nhà tổ với 5 gian trước và 3 gian điện phía sau.
Khung cảnh kiến trúc này đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Điểm độc đáo của Chùa Phật Tích Vạn Phúc không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là các tác phẩm điêu khắc đá cổ kính.
Trước hết phải kể đến pho tượng đá A Di Đà (cũng có người cho đó là tượng Thích Ca, có người gọi là Thế tôn). Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, tượng đá A Di Đà là tác phẩm điêu khắc thời Lý (cũng có một số ý kiến cho rằng đó là tác phấm điêu khắc thời Đường- thế kỷ thứ IX). Thân tượng được tạo bằng chất liệu đá xanh nguyên khối. Cả phần thân tượng và phần bệ có chiều cao là 4,7 mét (trong đó phần bệ đá hoa sen có chiều dài là 1,7 mét, chiều rộng 0,8 mét, chiều cao 0,36 mét. Tượng được tạc trong tư thế ngồi kết già trên tòa sen. Hai bàn tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt trên đùi. Lớp áo ngoài buông xuống phủ kín đôi chân. Thân tượng thanh mảnh, ngồi với tư thế hơi dướn lên phía trước, khuôn mặt hiền dịu, đầy nữ tính, khẽ mỉm cười.
Tượng A Di Đà được đặt trên bệ tòa sen bằng đá. Tòa sen được đặt trên bệ đá hình bát giác với nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo. Bệ tòa sen được tạo hình các đóa sen đang nở với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng, bệ bát giác, các họa tiết trang trí được chạm khắc cả bề mặt. Mặt bên của cả hai tầng đều chạm hình đôi rồng đang vờn nhau, ẩn hiện trong mây. Mặt trên của tầng diềm được chạm những chùm hoa dây mềm mại. Cuống hoa có nhiều người leo trèo. Mặt dưới là hình sóng nước cách điệu. Tất cả đều rất tỷ mỷ, sống động.
Trong thời kỳ làng Phật Tích bị giặc Pháp chiếm đóng, tượng đá A Di Đà đã bị quân lính Pháp dùng làm bia để tập bắn. Đầu tượng đã bị gẫy, thân tượng bị đạn bắn nham nhở. Trong làng Phật Tích, có một cụ ông đã kín đáo cất giữ đầu tượng. Sau năm 1954, khi hòa bình được lập lại, cụ đã trả cho nhà chùa để chắp lại như hiện nay chúng ta đã thấy.
Tác phầm điêu khắc đá thứ hai mang giá trị nghệ thuật là tượng mình người đầu chim đang vỗ trống. Tượng được tạc bằng chất liệu đá xanh. Khuôn mặt tượng phúc hậu hiền từ, toát lên vẻ trí tuệ và thánh thiện. Cặp lông mày cong thanh tú, đôi mắt nhỏ mơ màng, đôi má bầu bĩnh, ngực nở, cổ tay tròn, mập mạp, đôi cánh xòe rộng, bộ lông đuôi dài hất ngược lên, hai chân cứng khỏe với những móng cong sắc. Tượng người- chim có bộ lông mượt mà; các phần cánh, đuôi, bụng, chân được diễn tả bằng những đường uốn cong, mềm mại,… Trên búi tóc tượng người- chim có cài những dải hoa và kết thành dải dài để giữ lấy làn tóc trên trán.
Tượng người- chim đeo trống cơm trước ngực, có lẽ là hình ảnh của thần nhạc công.
Tác phẩm điêu khắc đá thứ ba là chân cột bằng đá chạm hình ảnh dàn nhạc đang hoạt động. Chân tảng đá được chạm nổi ở cả bốn mặt, tạo thành những mảng bố cục theo chiều ngang. Lấy điểm giữa là một bông sen, tác phẩm điêu khắc chia thành hai phần đối xứng qua bông sen ấy, mỗi bên có 5 người, trong đó có 4 nhạc công và một người dâng lễ. Cả 8 nhạc công đều trong tư thế đang vừa nhảy múa vừa sử dụng nhạc cụ trên tay. Những nhạc cụ mà các nhạc công sử dụng là trống cơm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thập lục, tiêu, sáo, nhị, trống da.
Các nhạc công trên bức chạm đều có thân hình chắc khỏe, uốn lượn duyên dáng. Như để tăng thêm cảnh tượng huyền ảo, ở các khuỷu tay, khuỷu chân các nhạc công, nghệ sĩ chạm khắc chạm những tua lửa tung bay, uốn lượn, và trên đầu họ có rất nhiều bông hoa nhỏ đang rơi lả tả, đồng thời, dưới chân các nhạc công có những lớp sóng nhấp nhô. Tất cả dường như đều vui chung với giai điệu do dàn nhạc cử lên.
Tác phầm điểu khắc thứ tư là hàng linh thú trước sân chùa. Mười linh thú gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử. Những con vật này đều gắn bó hoặc có liên quan đến cuộc đời và nghiệp truyền đạo của đức Phật Thích ca Mâu ni.
10 linh thú trước sân Chùa Phật Tích Vạn Phúc đều được tạc bằng đá nguyên khối (trừ con trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng. Cả 10 linh thú đều được đặt trên bệ đá hoa sen với số đo 1,7 x 0,8 x 0,36 mét. Các linh thú có chiều cao xấp xỉ 1,2 mét. Còn chiều dài của chúng có chênh lệch nhau một chút: ngựa, trâu và sư tử dài 1,50 mét, sấu 1,60 mét, voi 1,80 mét. Các linh thú đều được tạo ở tư thế nằm, dáng béo khỏe. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 10 linh thú ở chùa Phật Tích là tác phẩm điêu khắc thời Lý.
Tác phẩm điêu khắc thứ năm là ao rồng.
Tại giữa cửa tầng nền thứ ba, cách mép nền 14,30 mét có một ao nhỏ, gọi là Long trì (ao rồng). Ao có chiều dài 7 mét, chiểu rộng 5 mét, sâu 2 mét. Bốn xung quanh bờ đều được kè bằng đá tảng, vách đứng, vuông góc. Dưới đáy ao rồng có chi tiết chân rồng được tạc bằng đá với bắp chân to, mập và bộ móng chắc khỏe. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (tập 4, NXB Khoa học xã hội, H.1971, tr.70) viết: “Núi Lạn Kha ở xã Phật Tích cách huyện Tiên Du 4 dặm về phía Nam, trên núi có muông thú đá, ao rồng” chính là nói về ao rồng này.
Theo truyền thuyết, ao rồng để lộ phần đuôi rồng, còn đầu rồng hiện đã tìm thấy ở giếng Ngọc (trong bãi đỗ xe gần cổng chùa).
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, trước đây ao rồng đầy nước quanh năm. Nhưng lâu nay, ao đã bị khô cạn.
Tác phẩm kiến trúc đá cần được tìm hiểu ở Phật Tích là các ngọn tháp. Trong vườn tháp của Chùa Phật Tích Vạn Phúc có 36 ngọn bảo tháp. Vườn tháp được bố trí ở tầng nền thứ 3- tầng nền cao nhất. So với số lượng thấp ở chùa Bách Tháp (xã Nam Sơn TP Bắc Ninh) thì số lượng tháp ở chùa Phật Tích có ít hơn, nhưng chúng lại có giá trị lịch sử và giá trị văn hóa độc đáo hơn.
Phần lớn các tháp ở đây đến nay còn đọc được tên và niên đại an tháp. Chẳng hạn, tháp Phổ Quang an tháp vào năm Cảnh Trị thứ 2 (1664), gồm 4 tầng, tầng thứ 2 để trống, có trần, trên trần khắc hình tròn bát quái, tại ba mặt vách được tạc 7 pho tượng tọa trên tòa sen; tháp Viên Dung an năm Kỷ Mùi (1679) cũng cao 4 tầng, mặt trước của tầng hai chạm nổi hình tròn chồng lên hình chữ nhật; tháp Hiển Quang an năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680); tháp Viên Quang cao 2 tầng an năm Chính Hòa thứ 5 (1684); tháp Bảo Nghiêm cao 4 tầng an năm Chính Hòa thứ 13 (1692), mặt trước của tháp chạm tượng Phật tọa trên tòa sen và thiền sư ngồi nhập định,… Một số tháp, như: Viên Minh, Tông Ý, Bồ Đề,… không rõ năm an tháp. Ngoài các tháp đá, tại sườn phía trái núi Phật Tích có một số tháp gạch.
Một số tháp có văn bia với nét chữ còn tương đối rõ, ghi chép về hành trạng của vị thiền sư được an trong tháp. Đây là nguồn tư liệu quí để nghiên cứu về lịch sử Chùa Phật Tích Vạn Phúc nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.
Gần đây, một số tháp bị hư hại đã được ngành văn hóa cho trùng tu. Nhưng rất tiếc, sau khi trùng tu, những tháp đó không được phục dựng với những chi tiết như ban đầu.
3. Kể từ khi xây dựng (năm 1057), Chùa Phật Tích Vạn Phúc đã được các triều đại chọn sử dụng vào các công việc xã hội ngoài phạm vi tôn giáo môt cách hiệu quả. Sử cũ chép rằng, năm 1071, vua Lý Thánh tông đến thăm chùa, viết chữ “Phật” dài 1 trượng 5 thước và cho khắc bia, dựng ở chùa Phật Tích. Các thư tịch cổ cũng còn chép: khoảng năm 1337- 1347, nhà Trần xây dựng thư viện lớn trên núi Phật Tích. Danh nho Trần Tôn được cử trông coi thư viện này. Sách “Đại Nam nhất thống chí” còn chép rằng: “Chùa Vạn Phúc ở núi Lạn Kha xã Phật Tích, huyện Tiên Du, dựng thời Lý Thánh Tông (…) Đời Xương Phù (1377), vua Trần Nghệ tông thi Thái học sinh ở đây”. Năm 1383, vua Trần Nhân Tông và quần thần sáng tác tập thơ “Bảo Hoa dư bút” tại chùa Phật Tích. Thời Lê Cảnh Hưng (1740- 1786) mở yến hội.
Do vị trí đắc địa của ngôi chùa, từ lâu trong dân gian đã từng lưu truyền nhiều cổ tích, huyền thoại về mối tình giữa nàng tiên Giáng Hương với viên quan Tri huyện Từ Thức, truyền thuyết về Vương Chất mải mê xem hai tiên ông đánh cờ đến nỗi để mục cả cán rừu,… những cổ tích huyền thoại trên đây góp phần làm cho khung cảnh chùa Phật Tích thêm lung linh huyền ảo, và do đó, góp phần làm cho ngôi chùa có sức hấp dẫn đối với khách thập phương một cách kỳ lạ.
Chùa Phật Tích đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất vào thế kỷ XVII và vào những năm cuối của thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.
Ngày 28 tháng 4 năm 1962, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 313/VH-VP công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử- Văn hóa. Đây là một trong 4 ngôi chùa, đình đầu tiên ở Bắc Ninh được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa.
Chùa Phật Tích ngày nay đã được sửa chữa, tu bổ tương đối tốt. Đầu rồng trong giếng Ngọc đã được xác định là có; nhiều hạng mục công trình đã được xây dựng mới, như tượng Đại Phật thành, nhà tiền đường, hậu đường, Thiền đường, thư viện, nhà khách, nhà tạo soạn,… Một số tháp đã được tu sửa; ao rồng, giếng Ngọc đã được khơi vét tu sửa; hội Khán hoa ngày 4 tháng Giêng tiếp tục được tổ chức. Đặc biệt, tượng nhục thân Chuyết Công đã được phục chế, bảo quản trong khám kính với sự trợp giúp của công nghệ hiện đại; nhiều di vật thời Lý có giá trị lịch sử văn hóa trong khu vực chùa đã được tìm thấy và bảo quản, trưng bày, góp phần minh chứng cho sự cường thịnh về mọi mặt của vương triều Lý.
Năm 2009, với sự giúp đỡ về tài chính của một số nhà hảo tâm và của chính quyền các cấp tỉnh Bắc Ninh, chùa Phật Tích đã tổ chức trưng bày tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới với hàng chục triệu người đến chiêm bái.
Với giá trị lịch sử- văn hóa lâu đời và độc đáo, chùa Phật Tích ngày càng có nhiều khách trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu và vãng cảnh.
Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu thêm được nhiều thông tin bổ ích ở Chùa Phật Tích – Chùa Vạn Phúc rồi đấy! Nếu còn thiếu sót thông tin gì về nơi đây, mong bạn hãy để lại bình luận bên dưới để chúng tôi cập nhật bổ sung nhiều thông tin đầy đủ hơn cho người khác được biết. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm những địa chỉ tham quan khác, bạn hãy truy cập ở đây: https://top9.com.vn/dia-diem-du-lich/.
Từ khoá tìm kiếm về chủ đề tham qua, khám phá Chùa Phật Tích – Chùa Vạn Phúc