Mục lục
Năm 1989, một số người dân ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình đào đất đã phát hiện một cái chuông cổ. Địa điểm phát hiện trên nền đất của ngôi chùa Rối đã trở thành phế tích nên người ta lúc ấy đã đặt tên là chuông chùa Rối, chuông được đúc khoảng cuối thế kỷ XIV.
Sau khi được phát hiện, trải qua nhiều thăng trầm lưu lạc, cuối năm 2019 chuông được bàn giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh bảo quản, trưng bày.
Chuông chùa Rối có hai phần chính gồm quai và thân. Chuông nặng 200kg, kích thước chuông cao 115cm, đường kính miệng 65cm. Quai được tạo thành theo hình dáng một con rồng trong tư thế khom lưng, bốn chân bậm bạp, mỗi chân 4 móng kiểu móng đại bàng quắp lấy đỉnh chuông.
Rồng được tạo tác khá công phu, toàn thân tạo vảy, giữa mỗi vảy có chấm tròn, bố trí xen kẽ nhau theo kiểu vảy cá chép, lưng rồng có bờm thấp cao khác nhau trông khá sinh động. Đuôi rồng cụt, đầu rồng nhỏ so với thân, có những bờm li ti.
Đường nét thân rồng khum thành một vòng cung đều đặn chắc khỏe có thể treo trên giá chịu được trọng lượng hàng trăm kilôgam của quả chuông.
Thân chuông hình khối trụ tròn liền khối bằng đồng, miệng to và nhỏ khum thon dần về phía đỉnh. Thân chuông được trang trí, chia thành hai phần được giới hạn bởi năm đường gờ nổi, đường gờ nổi chính giữa to, cao hơn cả.
Chuông có sáu nhúm thỉnh chuông, hình dáng giống nhau, kích thước bằng nhau. Ở phần miệng chuông được trang trí cầu kỳ với 86 cánh hoa sen lật úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong số đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẽ nhau bao quanh vành miệng chuông.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chuông chùa Rối là bảo vật quan trọng gắn liền với vị vua Trần Duệ Tông (1337-1377) là vị vua thứ 9 của triều đại nhà Trần. Trên thân chuông được chạm khắc một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán của nhà sư Phạm Sư Mạnh trong thời gian nhà thơ theo xa giá vua qua phía nam Hà Tĩnh để chinh phạt nước Chiêm Thành vào năm 1376.
Bài thơ được dịch nghĩa như sau: Nhìn theo núi Hoành Sơn, phía Nam là một vùng biển lớn / Sóng kình dữ dội tung bọt trắng / Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh / Xa giá đến châu Bố Chánh giúp chính sự được yên.
Bài thơ gồm 33 chữ Hán, do nhà thơ Phạm Sư Mạnh lấy cảm hứng trước cảnh tượng hùng vĩ, bao la mà hoang vắng của non nước, đất trời của dãy Hoành Sơn, giáp với Biển Đông, vùng biên viễn của quốc gia Đại Việt, tức cảnh nhà thơ đã sáng tác ra bài thơ này.
Chuông chùa Rối mang những đặc trưng của chuông thời Trần. Hiện nay chuông thời Trần rất hiếm và chỉ có hai hiện vật trở đã trở thành bảo vật quốc gia là chuông chùa Vân Bản phát hiện ở Đồ Sơn (Hải Phòng) do Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo quản và chuông chùa Bình Lâm hiện được chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) bảo quản.
Theo ông Trần Phi Công – phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, vào tháng 8-2021 tỉnh Hà Tĩnh gửi hồ sơ trình Thủ tướng công nhận chuông là bảo vật quốc gia. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch yêu cầu bảo tàng xác minh thêm một số chi tiết được khắc trên chuông để có cơ sở công nhận bảo vật quốc gia vào các đợt tới.
Hiện Bảo tàng Hà Tĩnh đã bổ sung đầy đủ hồ sơ, đợi để được xét duyệt chuông chùa Rối là bảo vật quốc gia.
Bài ảnh: LÊ MINH
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ