Mục lục
Theo bạn, làm bánh Trung Thu khó hay dễ? Với những người làm bánh Trung Thu lần đầu tiên, chắc hẳn loại bánh này quả là một kỳ công. Nhưng với những ai đã từng thử sức qua, biết rõ “tính tình” của loại bánh này thì không quá khó để làm ra những mẻ bánh TrungThu ngon lành. Hãy cùng Cooky.vn tìm hiểu những khó khăn, lỗi thường mắc phải khi làm bánh Trung Thu và cách giải quyết để có thể tự tin bước vào gian bếp, thử nướng 1 mẻ bánh cho kịp mùa Trung Thu sắp đến nhé!
Khi làm bất cứ một loại bánh nào từ đơn giản đến phức tạp, muốn thành công, bạn cần phải tìm hiểu rõ về nó, hiểu được những nguyên nhân dẫn đến thất bại và cách khắc phục. một khi nắm vững được tính cách và “căn bệnh” của từng loại bánh thì bạn đã sẵn sàng để chinh phục nó rồi đấy! Vậy, mùa Trung Thu sắp đến gần rồi, bạn đã chuẩn bị được gì rồi? Hãy cùng nhau phân tích tìm hiểu những chiếc bánh Trung Thu xinh xắn này nhé!
Lỗi khi nấu nước đường bánh nướng và cách khắc phục
Nước đường bánh nướng (hoặc bánh dẻo) là nguyên liệu quan trọng và đầu tiên cần có khi làm bánh trung thu. Nó đóng vai trò làm cho vỏ bánh mềm thơm, ẩm, đậm màu và thời gian bảo quản bánh cũng phụ thuốc vào chất lượng của loại nước đường này.
1. Nước đường bánh nướng lỏng hoặc đặc sau khi nguội
– Nước đường bánh nướng lỏng chứng tỏ bạn nấu nước đường chưa đạt và trái lại, khi nước đường quá đặc tức bạn đã nấu quá lâu hoặc với nhiệt độ quá cao. Nước đường đạt chuẩn khi nguội, nghiêng cho nước đường chảy xuống từ từ, thành dòng to, sánh nhẹ giống hoặc sệt hơn mật ong một chút là được.
– Bạn có thể thử chính xác nước đường bánh nướng đạt chuẩn hay chưa, hãy chuẩn bị một chén nước sạch (tốt nhất là sử dụng chén màu trắng để dễ quan sát). Nhỏ một giọt nước đường từ trên cao khoảng 10cm xuống chén. Quan sát thấy giọt nước đường không hòa tan, lắng dưới đáy, xung quanh loang nhẹ là nước đường đã dạt chuẩn.
– Nếu nước đừng bánh nướng quá lỏng, hãy tiếp tục nấu nước đường trên lửa nhỏ hoặc lửa vừa thêm khoảng 10 – 20 phút tùy độ lỏng. Nhớ thử nước đường thường xuyên để kiểm tra, tránh tình trạng nấu nước đường quá tay nhé!
– Nếu nước đường bánh nướng quá đặc, bạn hãy cho khoảng 200 – 400 ml nước nóng, hòa cùng một ít nước cốt chanh và cho lên bếp nấu bình thường cho đến khi đạt.
2. Nước đường bánh nướng cô đặc lại sau một thời gian
Một lưu ý nhỏ, nước đường bánh nước thường được bảo quản bên ngoài, ở nhiệt độ phòng và nơi cao ráo, tránh ẩm.
- Nguyên nhân: Khi bảo quản nước đường trong tủ lạnh thường sẽ dẫn đến nước đường bị cô đặc lại. Trong trường hợp khi nấu nước đường quá lửa, sau một thời gian, nước đường cũng sẽ tự cô đặc lại dù ở nhiệt độ phòng.
- Cách khắc phục: Đầu tiên, hãy ngâm lọ nước đường của bạn trong nước nóng cho nước đường tan hẳn. Sau đấy cho nước đường vào nồi, thêm khoảng 200 – 400 ml nước ấm (tùy dung thích nước đường của bạn) cùng một ít nước cốt chanh và nấu lửa vừa như thông thường đến khi nước đường vừa đạt.
3. Nước đường bánh nướng bị đọng hạt li ti
- Biển hiện: Xuất hiện một lớp hạt đường màu trắng dưới đáy lọ nước đường sau khi nguội hoặc sau khi để một thời gian dài.
- Nguyên nhân: Có hai nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lại đường:
Nguyên nhân thứ 1: Trong quá trình nấu nước đường, bạn đã vô tình khuấy đảo quá nhiều. Một nguyên tắc cần lưu ý khi nấu nước đường bánh nướng là chỉ nên khuấy trước đun. Khi đã có sự can thiệp của nhiệt độ, tuyệt nhiên bạn không nên khuấy nước đường nhé!
Nguyên nhân thứ hai: Những hạt đường chưa tan hết đọng trên thành nồi cũng là nguyên nhân khiến nước đường bánh nướng bị lại đường. Những hạt đường này sẽ rơi vào lọ khi bạn rót nước đường, sau một thời gian chúng sẽ gây ra hiện tượng lại đường.
– Khuấy đường với nước ấm để đường tan hết trước khi cho lên bếp nấu. Trong quá trình nấu hạn chế không khuấy. Trong quá trình nấu bạn có thể dùng khăn ướt sạch lau các hạt đường bám trên thành nồi nhưng hãy khéo léo làm sao cho những hạt đường này không rơi trở lại nối nhé.
– Dùng thìa hoặc muỗng lớn múc đường từ nồi cho vào lọ, không nên nghiên nồi và đổ trực tiếp. Nếu nước đường của bạn đã bị lại đường, hãy ngâm lọ nước đường của bạn trong nước nóng cho nước đường tan lỏng ra. Sau đấy cho nước đường vào nồi, thêm nước ấm (tùy dung thích nước đường của bạn) cùng một ít nước cốt chanh và nấu lửa vừa như thông thường đến khi nước đường vừa đạt.
4. Nước đường bánh nướng bị lên gas
Nếu khi vừa mở nắp, bạn nghe một tiếng xì mạnh như khui nước ngọt thì nước đường của bạn đã bị lên gas.
- Nguyên nhân: Axit có trong chanh là nguyên nhân chính làm nước đường của bạn bị lên gas. Nếu đậy nắp quá chặt trong một quãng thời gian, gas sẽ lên càng ngày càng mạnh.
- Cách khắc phục:
Với những lọ nước đường có gas nhẹ, bạn có thể nới lỏng nắp, cho hơi thoát ra ngoài, làm dịu nước đường và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Lưu ý với nước đường lên gas mạnh, bạn không nên sử dụng chúng vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng bánh.
Lỗi khi sên nhân và cách khắc phục
Lưu ý: đây là những kinh nghiệm mà bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho những loại nhân ngọt khác nhau như nhân hạt sen, tiramisu (đậu xanh sên cùng bột/ nước cốt cà phê), lá dứa (đậu xanh sên cùng nước cốt là dứa, nhân chanh leo (đậu xanh cùng nước cốt chanh leo), nhân đậu đỏ, nhân trà xanh (đậu xanh cùng bột trà xanh), nhân mè đen (đậu xanh cùng mè đen), nhân khoai môn, nhân sữa dừa,…
1. Nhân bánh Trung Thu bị tách dầu
Nhận biết nhân bị tách đầu khá dễ, nhân và đầu không hòa quyện cùng nhau, nhân ướt và tươi dầu. Kho dùng tay vo viên, dầu sẽ tươm dính tay khá nhiều.
– Xay nguyên liệu với quá ít nước.
– Cho quá nhiều dầu trong lúc sên nhân.
– Sên nhân ở lửa quá lớn, cho dầu vào cùng một lúc mà không phân nhỏ ra nhiều lần làm dầu không kịp hòa quyện.
– Xay đậu thật nhuyễn với nhiều nước và nên cân đong đúng lượng dầu trong công thức.
– Sên nhân ở lửa vừa và nhỏ. Nên chia dầu thành 2 – 3 phần, sên hòa quyện 1 phần sau đấy mới cho phần tiếp đến.
2. Nhân bánh Trung Thu bị nhão
Nhân bánh nhão, không định hình, gây khó khăn trong lúc bọc vỏ và đóng bánh.
- Nguyên nhân: Sên nhân chưa tới, nhân chưa thật sự ráo nước.
– Sên nhân với lửa vừa và nhỏ, khuấy đều tay. Khi nhân sệt 1 nữa, cho thêm ít bột mì pha cùng chút nước hoặc bột bánh dẻo để nhân dẻo hơn.
– Sên đều tay, đến khi nhân không còn dính chảo, chạm thử nhân không dính tay. Thử nghiệm bằng cách vo thử 1 viên nhân, viên đứng trên mặt phẳng, không chảy, biến dạng là đạt chuẩn.
3. Nhân bánh lợn cợn, vón cục và kém mịn màng
Nhân bánh không được mịn màng mà lợn cợn, vón cục và không đều màu.
– Xay nguyên liệu chưa nhuyễn.
– Sên nhân không đều tay, làm nhân dính khô trên thành hoặc đáy chảo tạo thành những mảng vón cục tiếp tục dính vào nhân.
– Sên nhân trên lửa lớn làm nhân bốc hơn nhanh, chưa kịp dẻo mịn.
– Xay nguyên liệu thật nhuyễn để đảm bảo độ mịn màng của nhân.
– Hãy sên nhân trên lửa nhỏ để đảm bảo rằng mình kiểm soát được độ nóng của nhân, tránh trường hợp nhân khô dính ở thành và đáy chảo.
– Khuấy đều tay, thường xuyên vét vòng tròn quanh chảo.
Những lỗi khi đóng bánh và nướng bánh Trung Thu và cách khắc phục
1. Bánh trung thu bị mất nét
Đóng bánh chưa chắc tay.
Phết hỗn hợp nướng quá dày mà mạnh tay.
Hãy đảm bảo rằng bạn đóng bánh thật chắc tay, đều lực tất cả các mặt bánh.
Hỗn hợp phết sẽ giúp bánh bạn vàng hơn. Tuy nhiên hãy phết thật mỏng và nhẹ tay nhé vì cọ có thể làm xẹp các đường nét bánh.
2. Bánh trung thu bị nứt vỏ sau khi nướng
– Bột bánh của bạn quá khô.
– Quét hỗn hợp trứng lên bánh quá dày và phết lúc bánh vẫn còn chưa khô mặt.
Bánh trung thu bị nứt vỏ
– Nhồi bột đúng công thức, cho lượng chất lỏng (dầu ăn, lòng đỏ trứng…) vừa đủ tránh vỏ quá khô.
– Lúc quét hỗn hợp trứng lên mặt bánh sau khi nướng lần 1 nên quét 1 lớp mỏng và đợi cho mặt bánh thật ráo mới quét.
3. Bánh trung thu vàng không đều và nhạt màu
– Nướng bánh chưa đủ thời gian và nhiệt độ quy định.
– Bạn đang dùng nước đường bánh nướng vừa nấu để nhào vỏ bánh.
– Hãy đảm bảo rằng bạn nướng bánh đúng thời gian và nhiệt độ cần thiết.
– Khi nướng, hãy pha hỗ hợp quét bánh bằng dầu ăn, sữa tươi, 1 ít lòng đỏ, 1 ít nước đường hay mật ong để bánh có màu nâu đẹp mắt.
– Dùng nước đường đã nấu trước khi làm bánh ít nhất 2 tuần.
4. Vỏ bánh trung thu bị ướt sau khi nướng
Sau 1 – 2 ngày, bánh bắt đầu tươm dầu ra làm lớp vỏ trở nên ướt mềm, gắt dầu và không đẹp mắt.
Sên nhân chưa đến, nhân còn mềm ướt hoặc bị tách dầu, thấm ra ngoài vỏ bánh.
Hãy đảm bảo rằng nhân của bạn được sên đúng cách và đạt chuẩn. Nếu nhân bị tách dầu, bạn không nên đóng bánh vì thời gian bảo quản sẽ kém, bánh dễ bị hỏng và hình thức không đẹp mắt.
5. Lớp vỏ và nhân bánh bị tách biệt nhau
Bánh thành phẩm sau khi cắt, nếu bạn thấy vỏ và nhân không kết dính cùng nhau là đã có lỗi làm chiếc bánh của chúng ta bị bệnh rồi đấy.
– Lúc bọc vỏ bánh chưa đều tay, phần vỏ không bọc sát phần nhân dẫn đến không khí bị lọt vào bên trong nên khi nướng xong, phần nhân và vỏ sẽ tách rời nhau.
– Nhân bánh hoặc vỏ bánh bị khô, không đủ để bám sát vào nhau.
– Bọc bánh thật chặt và đều tay, miết chặt, ép hếp phần không khí thừa giữa nhân và vỏ bánh ra ngoài.
– Hãy chắc rằng nhân mềm mịn, dẻo, và bột vỏ bánh không khô.
Phía trên là những khó khăn thường gặp khi làm bánh trung thu, bạn đã từng gặp phải chưa? Hi vọng bài viết này có thể giúp bạn khắc phục những khó khăn này và có những chiếc bánh trung thu nhà làm thật xinh xắn và ngon lành. Nếu gặp những khó khăn nào, đừng ngại ngần chia sẽ với Cooky.vn để được giải đáp ngay nhé.
Giờ thì bạn đã tự tin làm ấm bếp nhà mình bằng những chiếc bánh trung thu thơm lừng chưa? Thao khảo thêm Những công thức làm bánh trung thu đơn giản lại ngon đúng chuẩn tại nhà nhé!
Nguồn: Những Lỗi Thường Gặp Khi Làm Bánh Trung Thu Và Cách Giải Quyết – Cooky.vn